Mụn đầu đen nếu không được nặn đúng cách sẽ làm to lỗ chân lông, khiến mụn xuất hiện nhiều hơn, thậm chí còn có thể để lại sẹo gây mất thẩm mỹ. Nặn mụn đầu đen đúng cách cũng giúp các cách trị mụn đầu đen trở nên hiệu quả nhanh hơn. Bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn cách nặn mụn đầu đen đúng cách, an toàn, không làm tổn thương da.
Nội dung chính
Cần vệ sinh và xông hơi làm giãn nở lỗ chân lông

Xông hơi giúp làm giãn nở lỗ chân lông giúp đào thải các tế bào chất cùng vi khuẩn gây tắc nghẽn lỗ chân lông, giảm nguy cơ hình thành nhân mụn. Do vậy trước khi nặn mụn đầu đen, bạn nên rửa sạch da mặt bằng nước tẩy trang, sữa rửa mặt và nước muối sinh lý sau đó tiến hành xông hơi bằng một nồi nước nóng trà hoa cúc trong vòng 15 phút.
Làm mềm da bằng các loại mặt nạ thiên nhiên
Việc đắp mặt nạ thiên nhiên sẽ giúp da mềm hơn do được cung cấp đủ độ ẩm, từ đó giúp nhân mụn dễ dàng bị đẩy ra ngoài. Do đó, bạn nên sử dụng các loại mặt nạ thiên nhiên để đắp lên mặt trong khoảng 15 phút sau khi đã làm sạch da mặt.
Các loại mặt nạ trị mụn tại nhà với nguyên liệu từ thiên nhiên bạn có thể tham khảo như: mặt nạ khoai tây và sữa chua, mặt nạ từ chanh và mật ong,…
Cần khử trùng tay và dụng cụ dùng để nặn mụn sạch sẽ
Việc dùng tay hay các loại dụng cụ để nặn mụn đầu đen không sạch sẽ là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn từ môi trường bên ngoài xâm nhập vào bên trong da qua các lỗ chân lông và gây nên tình trạng sưng viêm, mụn mủ trên da. Do đó, bạn cần lựa chọn dụng cụ nặn mụn một cách kỹ càng và phù hợp cũng như sử dụng cồn để vô trùng chúng trước khi sử dụng.
Ngoài ra, bạn cũng cần vệ sinh tay của mình kết hợp với đeo găng tay y tế trước khi nặn mụn đầu đen.
Cách nặn mụn đầu đen đúng cách

Để nặn mụn đầu đen, bạn dùng dụng cụ nặn mụn đã khử trùng hoặc hai ngón tay đè nhẹ nhàng hai bên của nốt mụn đầu đen. Nếu dùng tay nặn mụn, bạn nên dùng khăn giấy sạch hoặc bông y tế để chặn giữa tay và mụn đầu đen, không ấn trực tiếp lên nốt mụn.
Tiếp đó, bạn dùng đầu ngón tay xoa bóp nhẹ nhàng xung quanh lỗ mụn để nhân mụn trồi dần lên. Nếu dùng dụng cụ nặn mụn nên đặt theo hướng từ trên xuống và hơi chếch vào để mụn dễ ra ngoài hơn. Tuyệt đối không dùng lực quá mạnh khiến da bị tổn thương, lỗ chân lông bị to ra, thậm chí làm bầm da.
Lưu ý khi nặn mụn nên nặn hết nhân mụn. Thêm vào đó, nếu trong quá trình nặn thấy bị chảy máu thì dùng bông y tế thấm nhẹ vào vết thương, không để máu lan sang các vùng da khác. Chỉ nặn mụn đầu đen khi mụn đã già, nghĩa là đầu mụn đã cứng và có đầu đen.
Không nên nặn mụn liên tục và nên nặn mụn vào buổi tối để da phục hồi tốt hơn, tránh sự xâm nhập của các tác nhân gây mụn như bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.
Chăm sóc da sau khi nặn mụn đầu đen
Ngoài cách nặn mụn đầu đen đúng cách, bạn cùng cần có quy trình chăm sóc làn da sau khi nặn mụn đầu đen cẩn thận. Cụ thể, sau nặn mụn, bạn nên chờ thêm khoảng 10 – 15 phút rồi mới rửa mặt. Cần sử dụng nước hoa hồng không cồn để làm se khít lại các lỗ chân lông đặc biệt là lỗ chân lông vừa nặn mụn.
Ngoài ra bạn nên sử dụng thêm các sản phẩm dưỡng ẩm cho da để làm mát da, làm dịu các nốt sưng do nặn mụn. Đặc biệt cần che chắn cẩn thận khi ra ngoài, tránh để da tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Bạn cũng có thể kết hợp với việc sử dụng kem dưỡng ẩm, mặt nạ… để bổ sung dưỡng chất cho da, giúp da hồi phục nhanh hơn sau khi nặn mụn.
Ngăn ngừa mụn đầu đen quay trở lại

Mụn đầu đen có thể quay lại bất cứ lúc nào nếu bạn không có biện pháp bảo vệ làn da. Do đó, để ngăn ngừa mụn đầu đen hiệu quả, bạn nên hạn chế dùng tay chạm vào da cũng như tránh sử dụng các sản phẩm trang điểm và chăm sóc da quá dày.
Nên tẩy da chết định kỳ từ 1 – 2 lần mỗi tuần kết hợp với đắp mặt nạ dưỡng ẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên hoặc mặt nạ đất sét. Đối với các dòng mỹ phẩm dưỡng da, chăm sóc da, bạn nên sử dụng loại oil-free để giảm thiểu khả năng bị mụn. Ngoài ra, cần lựa chọn loại sữa rửa mặt phù hợp, tránh gây kích ứng da.
Trên đây là cách nặn mụn đầu đen tận gốc mà không làm tổn thương da. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, việc nặn mụn quá thường xuyên sẽ khiến mụn ngày càng “nổi loạn” hơn. Do đó, nên tới các bệnh viện, phòng khám da liễu để được tư vấn và điều trị phù hợp.