“Ăn dứa gây chuyển dạ sớm, sảy thai, nóng trong, mụn nhọt…” là lời đồn được truyền miệng vô cùng phổ biến đến mức loại quả này được mặc định đưa vào danh sách cấm kị khi mang thai. Tuy nhiên giờ đây, khoa học hiện đại đã “minh oan” cho loại quả này. Vậy bà bầu ăn dứa có được không? Chúng ta cùng tham khảo bài viết dưới đây.
Nội dung chính
Bà bầu ăn dứa có ảnh hưởng tới thai nhi không?
Bromelain – loại enzyme được tìm thấy trong quả dứa chính là thủ phạm của những lời đồn. Đã có những nghiên cứu chỉ ra rằng bromelain được bổ sung trong một số thực phẩm gây nên tình trạng tăng tiêu hóa protein, làm loãng máu, mềm khung xương chậu khiến quá trình chuyển dạ đến sớm hơn. Tuy nhiên bromelain trong quả dứa và bromelain bổ sung trong thực phẩm lại không hề giống nhau về nồng độ và tác động đến quá trình mang thai.

Theo đó, bà bầu phải ăn rất nhiều dứa trong một ngày mới có những ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe, đặc biệt là gây tiêu chảy. Thế nhưng không phải ai cũng có thể ăn được quá nhiều dứa bởi hàm lượng nhỏ enzyme bromelain đã có thể khiến cho lưỡi bị ngứa rát, thậm chí có những người chỉ ăn được một miếng rất nhỏ. Ngoài ra thì loại enzym này tồn tại chủ yếu ở phần lõi của quả dứa, trong khi phần thịt lại có rất ít nên ăn dứa không gây ảnh hưởng nguy hiểm đến thai nhi.
Tham khảo:
- Bà bầu ăn bơ có tốt không? 8 tác dụng của quả bơ với bà bầu
Tuy không có ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi, thế nhưng nếu ăn hợp lý, quả dứa còn mang đến rất nhiều lợi ích tuyệt vời. Lý do là trong dứa có chứa nhiều loại vitamin, khoáng chất và chất xơ có lợi, cụ thể:
- Sắt và acid folic (vitamin B9): là hai chất đặc biệt cần thiết khuyến cáo cần bổ sung đầy đủ trong quá trình mang thai giúp phòng ngừa nguy cơ thiếu máu ở mẹ và dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Thật tuyệt vời khi trong quả dứa rất dồi dào hai thành phần này.
- Vitamin B1, B6: Tham gia vào quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thần kinh của thai nhi, giúp bảo vệ tim mạch, hệ thống miễn dịch, duy trì lượng máu, cải thiện tâm trạng và giảm triệu chứng ốm nghén.
- Vitamin C: Tăng cường hệ miễn dịch, chống lại triệu chứng cảm lạnh thông thường, tăng sinh collagen tham gia vào quá trình hình thành xương khớp và tế bào da cho cơ thể mẹ và thai nhi.

- Mangan: Một ly nước ép dứa chứa tới 70% nhu cầu mangan cần thiết của cơ thể phụ nữ trong thai kỳ, có tác dụng trong việc củng cố mô liên kết và phát triển hệ xương, răng ở thai nhi.
- Đồng: Tham gia vào quá trình sản xuất tế bào hồng cầu.
- Chất xơ: Giảm thiểu tình trạng táo bón thai kỳ thường gặp.
- Chất lợi tiểu và nước: Bù nước, giảm thiểu hiện tượng mất nước, duy trì cân nặng, làm đẹp da.
- Theo nghiên cứu mới nhất, bromelain còn góp phần cải thiện tình trạng sưng phù ở chân và bàn chân rất hiệu quả.
Trái cây rất tốt cho bà bầu, bởi vậy ngoài ăn dứa, bà bầu ăn lựu, bơ, bưởi… cũng cung cấp rất nhiều dưỡng chất tốt cho thai nhi và bổ sung năng lượng cho cơ thể của mẹ. Bởi vậy, các mẹ bầu nên bổ sung trái cây trong bữa ăn hàng ngày của mình.
Hướng dẫn bà bầu ăn dứa để tốt cho thai kỳ
Bất cứ một thực phẩm nào ăn quá nhiều cũng sẽ phản tác dụng, vì thế ngay cả quả dứa, dù có những tác động tốt đến thai kỳ cũng cần được ăn một cách hợp lý.
- Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu không nên ăn dứa, uống nước ép dứa.
- Trong 3 tháng giữa thai kỳ, bà bầu chỉ nên ăn 2 – 3 lần trong tuần, mỗi lần ăn một lượng nhỏ từ 50 – 100g.
- Trong 3 tháng cuối, lượng dứa ăn có thể là 250g mỗi ngày tùy vào cơ địa, nên điều chỉnh phù hợp để tránh gặp tác dụng phụ như rát lưỡi hay co thắt tử cung gây đau.
- Với những thai phụ mắc các bệnh lý chấn thương liên quan đến gãy xương hay liên quan đến dạ dày nên hạn chế tiêu thụ dứa bởi có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của xương và gây tiêu chảy.
- Một số mẹ bầu có thể bị dị ứng mà cụ thể là protein trong quả dứa với các triệu chứng như khó thở, tê lưỡi, ngứa ngáy toàn thân, tiêu chảy, đau bụng,… Do đó để hạn chế tình trạng này, chị em nên ngâm dứa sau khi gọt vỏ với nước muối loãng khoảng 30 phút.
- Nếu muốn ăn dứa để tránh dị ứng, chị em nên ăn các món dứa đã qua chế biến như xào thịt bò, nấu canh chua, làm bánh,… để giảm khả năng gây dị ứng.

Tham khảo:
- Bà bầu ăn củ đậu được không? Lưu ý cần biết để thai nhi khỏe mạnh
Nguồn: Bí Kíp Đẹp Xinh